Thứ năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử xã Ninh Mỹ

Đề án 06-Điểm sáng trong quá trình chuyển đổi số  

Chủ nhật, 03/03/2024

 

Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, các cấp, các ngành triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm, tỉnh Ninh Bình đã xác định 100 nhiệm vụ cần phải triển khai thực hiện (năm 2022 là 27 nhiệm vụ và năm 2023 là 73 nhiệm vụ). UBND tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ Đề án 06 (đã ban hành 125 văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ); đơn giản thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian đi lại, chờ đợi của công dân, tiết kiệm chi phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tăng tính chính xác; cung cấp dịch vụ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tăng cao so với năm 2021 khi chưa triển khai thực hiện Đề án 06. 

 Một trong nét nổi bật trong việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chính là công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng đã mang lại hiệu quả tích cực, cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Đề án 06. Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tổ chức công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần, định danh điện tử, ứng dụng VNeID. 

Đồng chí Bùi Quang Bưởng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Khánh cho biết: Thực hiện mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực của chuyển đổi số, cùng với các hoạt động tuyên truyền cho nhân dân về mục đích, ý nghĩa của thực hiện Đề án 06 cũng như công tác chuyển đổi số, huyện Yên Khánh đã tăng cường hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng bằng việc triển khai các hoạt động tại địa bàn các xã, thị trấn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số; hỗ trợ người dân, hộ sản xuất, kinh doanh đưa các sản phẩm, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; tạo lập và hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến, VneID, VssID, thanh toán điện tử, chữ ký số, dịch vụ mobile money... Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các xã, trị trấn, phấn đấu trong năm 2024, 19/19 xã, thị trấn huyện Yên Khánh thực hiện chuyển đổi số.

Đóng vai trò nòng cốt trong triển khai Đề án 06, cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 (Công an tỉnh) đã phát huy vai trò tham mưu, việc triển khai, thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các tổ công tác Đề án 06 cấp huyện, cấp xã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao. 

Để tạo "công cụ, phương tiện" cho người dân, doanh nghiệp tham gia Đề án 06, lực lượng Công an đảm bảo duy trì, cập nhật, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống"; đến ngày 25/5/2023 tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành cấp 100% thẻ CCCD gắn chíp cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh (là 1 trong 5 tỉnh hoàn thành sớm nhất toàn quốc); đẩy mạnh thu nhận hồ sơ, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.

 Từ dữ liệu nền tảng này đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phân tích dữ liệu phục vụ hoạch định các chính sách trong công tác chỉ đạo, điều hành cho địa phương.

Thượng tá Thịnh Đức Tùng, Phó trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Sau 02 năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã mang lại nhiều giá trị to lớn, góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí và thời gian cho nhân dân; đồng thời góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 Các dịch vụ công triển khai đã tạo thuận lợi cho công dân khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tạo được niềm tin và hưởng ứng từ nhân dân. Đối với việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đến nay thành phố Ninh Bình đã tái cấu trúc, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 15/15 dịch vụ thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết thực được người dân đón nhận như đăng ký, cấp biển số xe, các thủ tục về cư trú... 

Về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích, đã cấp 100% thẻ căn cước cổng dân từ đủ 14 tuổi trở lên, tổ chức thu nhận và kích hoạt thành công 85.619 tài khoản định danh điện tử, đạt 77,4%, thành phố Ninh Bình đứng thứ 2 toàn tỉnh. Triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đề án; khai thác tiện ích của thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử thông qua quét mã QR đã tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính...

Việc triển khai các nhóm triển khai phục vụ, phát triển công dân số theo Đề án 06 được đẩy mạnh. Số công dân có tài khoản định danh điện tử tăng nhanh, 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản định danh điện tử, nhất là đối với học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THCS và THPT quốc gia, đối tượng chính sách. Các nhiệm vụ đồng bộ dữ liệu giữa BHYT và CCCD để phục vụ việc  khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD đang được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực. Đã có 190/190 cơ sở khám chữa bệnh trang bị máy móc, thiết bị để người dân sử dụng CCCD thẻ chíp khám chữa bệnh; tích hợp giấy tờ, Giấy phép lái xe, BHYT vào tài khoản định danh danh điện tử, đã kích hoạt trên 531 nghìn tài  khoản định danh điện tử, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao là trên 118%... 

Đồng chí Phạm Đức Hạnh, Giám đốc VNPT huyện Kim Sơn cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Kim Sơn, VNPT Ninh Bình, và VNPT Kim Sơn đẩy mạnh triển khai ứng dụng công dân số với việc triển khai chữ ký số cho người dân trên địa bàn huyện. VNPT Kim Sơn đã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện tổ chức tập huấn cho gần 2.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trong toàn huyện cài đặt, từ đó hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số-My Ninh Bình, chữ ký số cá nhân cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các giao dịch dịch vụ công trực tuyến.

Từ kết quả đã đạt được sau 2 năm thực hiện Đề án 06 là nền tảng cốt lõi góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và là động lực thực hiện Đề án 06 trong năm 2024 và những năm tiếp theo đúng lộ trình đã đề ra.

 Nguồn: Báo Ninh Bình

Truyền thanh

Dữ liệu đang được cập nhật

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
52774

Trực tuyến: 9

Hôm nay: 201

Hôm qua: 0